Bánh tét chữ với hương vị thơm ngon và chứa được nhiều thông điệp gửi gắm, luôn là một món quà Tết ý nghĩa. Hãy cùng theo dõi bài viết để biết cách làm bánh tét chữ ngon, đẹp và ý nghĩa để dành tặng người thân, Tết này nhé.
Bánh tét là món ăn với nguyên liệu chính từ gạo nếp, đậu xanh với phần nhân ngọt từ chuối, đậu phộng hoặc phần nhân mặn từ thịt mỡ. Khác với vẻ ngoài vuông vức của bánh chưng miền Bắc , bánh tét ở miền Nam được gói dài theo hình trụ vững chãi.
Bánh tét mang ý nghĩa tượng trưng cho vạn vật, trời đất, nhắc nhở mọi người nhớ tới thành quả lao động của người nông dân và sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho loài người. Bên cạnh đó, việc sáng tạo ra bánh tét chữ giúp thay mặt người tặng gửi đến những thông điệp ý nghĩa ẩn bên trong lớp nhân bánh, đến với người nhận.
>> Tết nam bộ kể chuyện ‘Nguồn gốc và ý nghĩa bánh tét’
Vì vậy, tết này thay vì chuẩn bị cầu kỳ những câu đối, lời chúc hoa mỹ, bạn có thể chuẩn bị vài cái bánh tét chữ để thay bằng gửi lời yêu thương tới gia đình nhé.
>> Gợi ý những câu chúc Tết hay, ý nghĩa nhất
Nguyên liệu làm bánh tét chữ
- 1kg đậu xanh ( đã ngâm 4-6 tiếng)
- 3kg nếp cái hoa vàng (đã ngâm 8 tiếng)
- 600ml nước cốt dừa
- 400ml nước cốt lá dứa
- 750g đường
- 800ml nước cốt lá cẩm
- 500g lá chuối ( đã phơi khô 12 tiếng)
- 2 bó dây lạt
- Các gia vị khác: Dầu ăn, muối
Cách làm bánh tét chữ
Bước 1: Phần gạo nếp chia làm 2 phần: 2kg nếp đem ngâm với nước cốt lá dứa và 400ml nước cốt dừa, phần còn lại ngâm với nước cốt lá cẩm và 200ml nước cốt dừa. Ngâm gạo trong nước cốt 1 tiếng.
Sau đó đổ nếp ra và cho lên chảo xào cho tới khi hạt nếp nở ra.
Bước 2: Đậu xanh đem trộn với đường, 1 muỗng canh muối và 1l nước lọc. Rồi đem luộc tới khi đậu chín mềm thì vớt ra dĩa.
Bước 3: Cho dầu ăn vào nồi đun sôi, sau đó cho đậu xanh vào sên cho đến khi đậu săn lại, không còn ướt thì tắt bếp.
Bước 4: Chuẩn bị một khay lót sẵn giấy bạc để lấy đậu xanh từ trong nồi ra, đặt vào đấy, đợi đậu nguội.
Bước 5: Cuộn giấy bạc lại theo hình tròn, để nắn đậu xanh thành một khối trụ. Sau đó dùng dao cắt thành từng khoanh nhỏ có độ dày khoảng 1cm.
Bước 6: Dùng dao gỗ để cắt tỉa khoanh đậu xanh thành chữ mình muốn. Bạn có thể in sẵn chữ ra giấy hoặc dùng miếng nhựa hình chữ cái, đặt lên đậu xanh làm mẫu cắt theo cho dễ.
Bước 7: Dùng dao gỗ tạo hình lỗ trống trong khoanh nếp cẩm (cũng có độ dày khoảng 1cm),tương ứng với chữ từ đậu xanh. Sau đó đặt chữ đậu xanh vào bên trong chỗ trống của nếp cẩm.
Bước 8: Dàn một lớp gạo nếp lá dứa lên trên bề mặt lá chuối (cắt theo hình vuông kích thước 20x20cm), sau đó đặt các khoanh chữ vào, xếp thẳng hàng và theo thứ tự chữ cái bạn muốn.
Bước 9: Khéo léo dùng lá chuối, cuộn nếp và khoanh chữ lại. Khúc này bạn nhớ dùng một lực vừa phải, chắc tay để phần gạo và chữ dính vào nhau, nhưng không bị méo nhé.
Bước 10: Gấp hai đầu của lá chuối lại và cuộn chặt lại, để giữ cho bánh kín, không bị vô nước khi luộc. Dùng dây lạt buộc chặt bánh lại.
Bước 11: Lót một lớp lá chuối ở dưới đáy nồi, rồi xếp bánh tét vào. Đổ nước ngập bánh và nấu liên tục từ 4 đến 6 tiếng. Trong quá trình đun, bạn nhớ thêm nước liên tục để bánh không bị khô hoặc khét nhé.
Thành phẩm
Bánh tét thơm phức mùi gạo nếp, mùi ngọt của lá dứa và hương bùi của đậu xanh. Lớp vỏ bánh dẻo nhưng không nhão, còn phần nhân đậu xanh với tạo hình chữ cái độc đáo. Đây sẽ là một món ngon khó cưỡng với gia đình bạn.
Bánh tét có thể ăn chung với dưa muối, củ kiệu và giò, chả, hoặc dùng làm bữa ăn sáng trong ngày tết, đều là những gợi ý hay.
Cách bảo quản bánh tét để được lâu
Bạn nên luộc sơ phần lá chuối gói bánh để khử trùng, như vậy bánh tét sẽ để được lâu hơn.
Sau khi vớt bánh ra khỏi nồi, bạn đừng cất bánh ngay vào tủ lạnh, mà hãy tìm một chỗ khô ráo, không có ánh mặt trời để phơi cho đến khi bánh khô hoàn toàn.
Bánh tét nếu để ở vị trí khô ráo, tránh ánh mặt trời có thể để được từ 2-5 ngày mà không bị hư.
Nếu bạn muốn bảo quản bánh tét từ 1 tuần trở lên thì phải bảo quản trong tủ lạnh, khi nào muốn ăn thì lấy ra chiên hoặc hấp lại.
>> Cách bảo quản bánh chưng bánh tét hơn 10 ngày mà không hỏng